Tin tức

Covid-19 khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động.

10:30 - 16/07/2021

(GLC group) - Đó là một trong những nỗi lo lắng, trăn trở của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của ngành và triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, diễn ra vào ngày 14/7.

 

Trong nửa năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 hoành hành, diễn biến phức tạp nhưng nhiều kết quả trong thực hiện "mục tiêu kép" đáng ghi nhận. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội đảm bảo…

Tuy nhiên, một tin không vui đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin tại Hội nghị, đó là dịch Covid-19 đã tác động sâu tới người lao động. "Biến chủng mới đã xâm nhập vào "thành trì" quan trọng nhất của chúng ta, đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sử dụng lao động lớn. Đây là khu vực cơ bản, chiếm 3,8/11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước", Bộ trưởng Dung nói.

Theo báo Dân trí, cả nước có hơn 70.000 doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp có quy mô, nguồn vốn lớn. Dịch cũng tác động đến 9,1 triệu người lao động, 540.000 người mất việc… Đặc biệt, khoảng 3,1 triệu người phải giảm, giãn việc luân phiên do tác động dịch Covid-19.

Khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng trầm trọng, hơn 40.000 người lao động đã xong phần thủ tục nhưng không thể xuất cảnh. Tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ có thể không dừng ở đây.

Điều khiến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lo lắng, không chỉ có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động. Từ những phân tích tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng nhận định vấn đề đời sống việc làm đặt ra những gánh nặng lớn trong bối cảnh hiện nay.

Đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo việc làm cũng như duy trì hoạt động của các doanh nghiệp để thực hiện "mục tiêu kép" là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho ngành lao động trong thời gian tới.

"Thực hiện phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn ở tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ theo phương án giãn cách, có phương án an toàn cả trong khu vực sản xuất kinh doanh, an toàn ở địa bàn dân cư. Các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp khi nào thực sự an toàn thì mới sản xuất kinh doanh, nếu không an toàn hoặc dự báo không an toàn thì dừng hoạt động. Những địa bàn chưa bị ảnh hưởng dịch phải tập trung củng cố thị trường lao động. Những đơn vị đang bị ảnh hưởng thì có kế hoạch sau dịch phục hồi, sau dịch phải "biến nguy thành cơ", phải đào tạo nguồn nhân lực…". Bộ trưởng nói.

Về sự hỗ trợ của Nhà nước, để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch, kịp thời, không xảy ra trục lợi, đòi hỏi người làm công tác chính sách lao động phải có quyết tâm chính trị cao "bằng cả hành động, cả trái tim, tấm lòng với người nghèo, người khó khăn… Nhiệm vụ này phải làm ngay, không được phép chậm trễ. Bởi chậm triển khai là có lỗi với dân", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Trước những trăn trở của Bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương, tin rằng sẽ không ai bị bỏ sót, không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.

Theo Dân Trí

Khai mạc Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam và Nhật Bản
Công ty Cổ phần Đầu tư và Quan hệ quốc tế GLC Group tổ chức thi tuyển nhân lực cho chuỗi khách sạn lớn tại Nhật Bản
Công ty Cổ phần Đầu tư và Quan hệ quốc tế GLC Group chúc mừng năm mới 2022
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9
Lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài